Hệ thống MES là gì và ứng dụng phần mềm MES cho doanh nghiệp
Tại các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống MES là thuật ngữ được sử dụng phổ biến. Đặc biệt tại khâu vận hành, quản lý sản xuất MES sẽ đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Vậy hệ thống MES là gì và việc ứng dụng phần mềm MES cho doanh nghiệp như nào cho tối ưu. Bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những nội dung liên quan đến thuật ngữ này.
1. MES là gì? Khái niệm về Hệ thống MES
MES là tên viết tắt của cụm từ tiếng anh Manufacturing Execution System. Có thể hiểu rằng, đây là hệ thống điều hành và thực thi sản xuất có chức năng kết nối thông tin, kiểm soát và giám sát toàn bộ quy trình trong hệ thống sản xuất tại nhà máy.
2. Chức năng cơ bản của hệ thống MES
Phụ thuộc vào đặc thù và lĩnh vực mà mỗi doanh nghiệp sẽ cài đặt hệ thống MES có những chức năng khác nhau để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên những chức năng cơ bản dưới đây thì hầu hết hệ thống MES của nhà cung cấp nào cũng có thể đáp ứng:
Chức năng Quản lý thông tin sản phẩm:
Việc quản lý thông tin sản phẩm sẽ bao gồm quá trình lưu trữ, kiểm soát và trao đổi dữ liệu với các hệ thống khác. Các thông tin cần quản lý bao gồm: cách thức sản xuất sản phẩm, định mức vật tư, định mức tài nguyên, quy trình sản xuất, kết quả sản xuất.
Chức năng Quản lý truy xuất nguồn gốc:
Hệ thống MES có khả năng mã hóa thông tin sản phẩm về định dạng QR code hoặc Barcode. Vì vậy khi có nhu cầu tra cứu thông tin về nguồn gốc sản phẩm, nhà cung cấp… người dùng có thể dễ dàng truy xuất thông tin bằng một vài thao tác.
Chức năng Quản lý các nguồn lực:
Toàn bộ nguồn lực liên quan đến hoạt động sản xuất như: nguyên vật liệu, công suất trang thiết bị, nhân lực đều được hệ thống tự động thực hiện khai báo, trao đổi và phân tích thông tin để giúp người dùng đưa ra quyết định phù hợp nhất về đơn đặt hàng.
Chức năng Ra lệnh sản xuất:
Chức năng ra lệnh sản xuất bao gồm các nhiệm vụ sau:
- Phân bổ kế hoạch theo lệnh sản xuất.
- Chỉ định thời gian sản xuất, thời gian ra sản phẩm.
- Gửi các lệnh sản xuất đã sẵn sàng đến các khu vực sản xuất hay dây chuyền sản xuất.
- Điều chỉnh khi xảy ra các sự cố nằm ngoài kế hoạch.
Chức năng Thu thập dữ liệu sản xuất:
Bao gồm thu thập, lưu trữ và trao đổi dữ liệu thực hiện sản xuất, trạng thái thiết bị, thông tin lô nguyên liệu và nhật ký sản xuất.
Chức năng Phân tích hoạt động sản xuất:
Thiết lập hệ báo cáo hữu ích từ dữ liệu được thu thập được chẳng hạn như báo cáo tổng quan về các sản phẩm đang sản xuất (WIP) và hiệu suất sản xuất của các giai đoạn trước như hiệu quả tổng thể của thiết bị hoặc bất kỳ chỉ số hiệu suất nào khác.
Chức năng Quản lý thiết bị sản xuất:
Hệ thống MES sẽ theo dõi và cảnh báo những thiết bị nào cần thực hiện bảo dưỡng và thời gian đề xuất. Ngoài ra hệ thống có khả năng cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động của các thiết bị. Phối hợp cùng với thông tin của hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm sẽ có thể đưa ra các báo cáo liên quan giữa chất lượng sản phẩm và tình trạng thiết bị.
Chức năng Quản lý chất lượng:
Hệ thống MES cũng có khả năng kiểm soát và phân tích các lỗi trong quá trình sản xuất. Để đáp ứng chuyên sâu hơn về chức năng này, doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm quản lý chuyên biệt.
3. Vai trò và lợi ích khi doanh nghiệp ứng dụng hệ thống MES
Toàn bộ các cơ sở sản xuất, đặc biệt là những nhà máy có quy mô lớn, sản xuất số lượng thành phẩm lớn đều cần tới MES.
- Hệ thống MES giúp nâng cao công suất hoạt động của trang thiết bị máy móc, cải thiện chất lượng sản xuất: Các khảo sát đánh giá đã chỉ ra rằng, với việc ứng dụng hệ thống MES, năng suất sản xuất của doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng từ 3% – 8%. Thậm chí có thể lên tới 30% tại các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và dược phẩm.
- Hệ thống MES giúp tối ưu quy trinh sản xuất, hạn chế sai sót ngay từ đầu giúp cho chất lượng sản phẩm đầu ra được đảm bảo: Thông qua chức năng phân tích và báo cáo trực quan từ hệ thống, quy trình sản xuất hoàn toàn được tối ưu. Đặc biệt vấn đề về độ trễ trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin được giảm thiểu. Điều này không chỉ giúp cho các nhà quản trị nhận diện và nắm bắt các cơ hội mới trên thị trường mà đội ngũ nhân viên cũng dễ dàng kiểm soát quy trình sản xuất để chất lượng sản phẩm đầu ra được đảm bảo.
- Hệ thống MES giúp tối ưu chi phí sản xuất hiệu quả
Đảm bảo lượng hàng tồn kho phù hợp; Giảm thiểu chi phí nhân công; Chi phí khắc phục lỗi sản xuất là những lợi ích rõ rệt mà hệ thống MES đem lại. Chính vì vậy mà chi phí sản xuất chung của hoạt động sản xuất cũng sẽ được tối ưu hiệu quả. Ví dụ như:
Mỗi lô hàng, sau khi ứng dụng MES doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến 2h đồng hồ cho quá trình kiểm kê. Như vậy nếu số lượng lên tới hàng chục lô thì thời gian và chi phí nhân công cũng sẽ được cắt giảm đáng kể. Một công ty trong ngành dược phẩm hàng năm có thể phải chi trả lên tới hàng triệu đô la với những lô hàng hóa bị loại bỏ do lỗi quy trình.
4. Phân biệt Phần mềm MES và Phần mềm ERP trong doanh nghiệp
MES và ERP là 2 hệ thống được ứng dụng phổ biến trong công tác quản lý và vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là 2 phần mềm có những tính năng khác biệt. Vì vậy, nhà quản trị cần phải hiểu và phân biệt rõ ràng để có thể lựa chọn phần mềm mang lại lợi ích phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Phạm vi áp dụng
Phần mềm MES tập trung hoàn toàn quá trình tối ưu trong hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp. Ứng dụng cho phép doanh nghiệp theo dõi, giám sát và thu thập dữ liệu chính xác về quá trình sản xuất. MES tối ưu sản xuất thông qua cơ chế bằng quản lý và báo cáo về hoạt động của nhà máy trong thời gian thực. Các chức năng của MES không có khả năng mở rộng để ứng dụng trong các doanh nghiệp lĩnh vực không có liên quan đến sản xuất như quản lý tài chính hoặc chăm sóc khách hàng.
Phần mềm ERP có thể hỗ trợ trong một phạm vi rộng hơn bằng việc quản lý tài nguyên trên toàn bộ doanh nghiệp. Đem lại nhiều lợi ích với vai trò gia tăng lợi nhuận và hiệu quả cạnh tranh của doanh nghiệp như: Kết nối các hoạt động sản xuất với toàn bộ tổ chức; Cải thiện dịch vụ khách hàng; Tăng khả năng hiển thị và kiểm soát chi phí…
Liên quan đến bộ phận sản xuất, ERP được sử dụng để tạo và quản lý lịch trình cơ bản của nhà máy bao gồm sản xuất, sử dụng vật liệu, giao hàng và vận chuyển, làm cho thông tin trở thành trung tâm của hoạt động. Ngoài ra tùy thuộc vào năng lực triển khai của từng nhà cung cấp, phần mềm ERP còn có khả năng quản lý từ thông tin hồ sơ tài sản, thiết bị đến kế hoạch bảo dưỡng tài sản, thiết bị; cảnh báo và theo dõi thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thiết bị; cập nhật và tra cứu nhật trình, nhật ký vận hành của thiết bị…
Thời điểm và hoàn cảnh ứng dụng
Bản thân nhà lãnh đạo cần hiểu rõ và hiểu đúng về thực trạng cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai để có thể đi đến một quyết định đúng đắn về việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ.
Phần mềm MES là lựa chọn đúng đắn khi doanh nghiệp đang cần:
- Tập trung chủ yếu vào hoạt động gia công, sản xuất liên tục với số lượng lớn.
- Nguyên liệu đầu vào được kiểm định khắt khe theo các tiêu chuẩn về chất lượng và số lượng.
- Mỗi đơn vị nhà máy, phân xưởng lại ứng dụng những quy trình sản xuất khác nhau.
- Các yêu cầu về theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng máy móc thiết bị thật chặt chẽ
Phần mềm ERP nên được áp dụng khi:
- Các chi nhánh, phân xưởng của doanh nghiệp có chung quy trình sản xuất
- Doanh nghiệp có nhu cầu quản lý đồng bộ và kết nối thông tin dữ liệu chặt chẽ
- Dữ liệu tại bộ phận sản xuất có sự liên quan và chi phối tới nhiều bộ phận phòng ban khác như kế toán, kinh doanh, nhân sự…
- Nhà quản trị có nhu cầu phân tích, đánh giá khái quát toàn bộ tình hình doanh nghiệp hoặc đang gặp vấn đề trong việc quản lý tổng thể.
Từ những thông tin trên, có thể khẳng định rằng hệ thống MES là sự hỗ trợ cho ERP. Phần mềm ERP biết tại sao và MES thì có cách để giải quyết nó. Đó là một mối quan hệ cộng sinh cần thiết. Hệ thống MES hoàn toàn có thể được tích hợp với các hệ thống ERP một cách đơn giản và tạo nên một vòng thông tin khép kín, một nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ngoài ra sự kết hợp đó sẽ cung cấp dữ liệu thông tin đầy đủ, bao quát để các nhà quản trị thực thi các chiến lược sản xuất và vận hành hiệu quả hơn.